Thứ Năm, 07/03/2013, 01:30 PM
Một số nội dung cơ bản của Luật Phòng chống tham nhũng (Phần 2)

Một số nội dung cơ bản về Luật Phòng, chống tham nhũng (Phần II)

Câu 11: Công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?

 1. Dự án qui hoạch đầu tư xây dựng phải được lấy ý kiến của nhân dân địa phương nơi qui hoạch.

2. Dự án đầu tư qui hoạch từ ngân sách địa phương phải được Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

3. Dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định, phê duyệt phải đựơc công khai để nhân dân giám sát.

Câu 12: Công khai, minh bạch về tài chính và ngân sách Nhà nước nhằm phòng ngừa tham nhũng được quy định như thế nào?

1. Các cấp ngân sách, đơn vị dự toán ngân sách phải công khai chi tiết số liệu dự toán và quyết toán đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn kể cả khoản ngân sách bổ sung.

2. Đơn vị dự toán ngân sách có nguồn thu và các khoản chi từ các khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật phải công khai mục đích huy động và hiệu quả của việc sử dụng các nguồn huy động.

3. Tổ chức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ phải công khai các nội dung sau đây:

- Số liệu dự toán, quyết toán;

- Khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân (nếu có);

- Cơ sở xác định mức hỗ trợ và số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

4. Dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước phải công khai các nội dung sau đây:

- Việc phân bổ vốn đầu tư trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao hàng năm cho các dự án;

- Dự toán ngân sách của dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư được duyệt, mức vốn đầu tư của dự án được giao trong dự toán ngân sách năm;

- Quyết toán vốn đầu tư của dự án hằng năm;

- Quyết toán vốn đầu tư khi dự án hoàn thành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Quỹ có nguồn từ ngân sách Nhà nước phải công khai các nội dung sau đây:

- Quy chế hoạt động và cơ chế tài chính của quỹ;

- Kế hoạch tài chính hàng năm, trong đó chi tiết các khoản thu, chi có quan hệ với ngân sách Nhà nước theo qui định của cấp có thẩm quyền;

- Kết quả hoạt động của quỹ;

- Quyết toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Việc phân bổ, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước cho các dự án, chương trình mục tiêu đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải công khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan và nhân dân nơi trực tiếp thụ hưởng biết.

Câu 13: Công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân nhằm phòng ngừa tham nhũng được quy định như thế nào?

1. Việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng công trình, lập quỹ trong phạm vi địa phương phải lấy ý kiến nhân dân và được Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

2. Việc huy động, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân qui định tại điểm 1 trên phải được công khai để nhân dân giám sát và chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo qui định của pháp luật.

3. Nội dung phải công khai bao gồm mục đích huy động, mức đóng góp, việc sử dụng, kết quả sử dụng và báo cáo quyết toán.

4. Công trình cơ sở hạ tầng tại xã, phường, thị trấn sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân  phải công khai các nhân dân sau đây:

- Nội dung phải được công khai qui định tại điểm 3 trên;

- Dự toán cho từng công trình theo kế hoạch đầu tư được duyệt;

- Nguồn vốn đầu tư cho từng công trình;

- Kết quả đã huy động của từng đối tượng cụ thể, thời gian huy động;

- Kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Tiến độ thi công và kết quả nghiệm thu khối lượng, chất lượng công trình và quyết toán công trình.

5. Việc huy động, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân vì mục đích từ thiện, nhân đạo được thực hiện theo quyết định tại điểm 2 và điểm 3 trên.

Câu 14: Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?

Việc quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được thực hiện theo qui định tại câu 12 trên đây. Đối với các khoản viện trợ phi chính phủ phải được công khai cho các đối tượng thụ hưởng biết.

Câu 15: Công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp của Nhà nước và trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?

1. Doanh nghiệp của Nhà nước có trách nhiệm công khai vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán, việc trích, lập và sử dụng quỹ của doanh nghiệp, việc tuyển dụng vốn của lao động, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp và nhân dân khác theo qui định của pháp luật.

2. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp của Nhà nước phải công khai, minh bạch; không được cổ phần hoá khép kín trong nội bộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp được cổ phần hoá có trách nhiệm công khai thực trạng tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm công khai thực trạng tài chính khi xác định giá trị công nghiệp được cổ phần hoá và việc điều chỉnh giá trị doanh nghiệp (nếu có).

Việc bán cổ phần lần đầu của doanh nghiệp được cổ phần hoá phải thực hiện bằng phương thức bán đấu giá.

Câu 16: Kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện kiểm toán và chịu sự kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước theo qui định của pháp luật về kiểm toán.

2. Báo cáo kiểm toán phải được công khai theo qui định tại điểm 3 câu 9 trên.

Câu 17: Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, nước nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?

1. Việc lập qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm dân chủ và công khai.

2. Trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, cơ quan, tổ chức, thực hiện việc lập qui hoạch, kế hoạch đó phải thông báo công khai cho nhân dân địa phương nơi được qui hoạch, điều chỉnh biết.

3. Qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, việc giải phóng mặt bằng, giá đền bù khi thu hồi đất sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền qui định, phê duyệt hoặc điều chỉnh phải được công khai.

4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; qui hoạch chi tiết và việc phân lô đất ở, đối tượng được giao đất làm nhà ở phải được công khai.

Câu 18: Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nhà ở nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?

1. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở phải được công khai.

2. Việc hoá giá nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, đối tượng được hoá giá nhà ở và các khoản tiền phải nộp khi hoá giá nhà ở phải công khai.

3. Việc bán nhà ở cho người tái định cư, người có thu nhập thấp và đối tượng ưu tiên khác phải được công khai.

Câu 19: Công khai, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, thể dục, thể thao nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?

1. Việc tuyển sinh, thi, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ phải được công khai.

Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước phải công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, việc thu, quản lý, sử dụng học phí, lệ phí tuyển sinh, các khoản thu từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, các khoản hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục và các khoản thu khác theo qui định của pháp luật.

2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục và việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề y, dược tư nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở hành nghề y, dược phải được công khai.

Cơ quan quản lý y tế, cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước phải được công khai việc thu, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, giá thuốc, việc thu, quản lý, sử dụng các loại phí lên quan đến việc khám, chữa bệnh và các khoản thu khác theo qui định của pháp luật.

3. Việc xét, tuyển chọn, giao trực tiếp, tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học – công nghệ và việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học – công nghệ phải đựơc tiến hành công khai.

Cơ quan quản lý khoa học – công nghệ, đơn vị nghiên cứu khoa học – công nghệ phải công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, các khoản hỗ trợ viện trợ, đầu tư, các khoản thu từ hoạt động khoa hộc – công nghệ.

4. Cơ quan quản lý thể dục, thể thao, Uỷ ban Ô - lim - pich Việt Nam, các liên đoàn thể thao, cơ sở thể dục, thể thao có trách nhiệm công khai việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, các khoản thu từ hoạt động và dịch vụ thể dục thể thao, khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho hoạt động thể dục, thể thao.

Câu 20: Công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán Nhà nước nhằm phòng ngừa tham nhũng được qui định như thế nào?

1. Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán Nhà nước phải được tiến hành công khai theo qui định của pháp luật.

2. Văn bản, quyết định sau đây phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác:

- Kết luận thanh tra;

- Quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết tố cáo;

- Báo cáo kiểm toán.

------ Hết phần II -------------

print

Copyright © 2012