Thời gian vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam đã thực hiện loạt các clip trắc nghiệm câu hỏi về kiến thức bộ môn lịch sử, đời sống dành cho học sinh từ 9 – 11 tuổi tại Hà Nội, nhiều em không biết hoặc mù mờ về những kiến thức đơn giản. Khi được hỏi về truyện cổ tích, nhiều em cho rằng Thánh Gióng biết nói khi mới mấy tháng tuổi. Nhiều học sinh nhầm lẫn Thủ đô của nước Việt Nam là Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Cầu Giấy, là Thăng long. Đó là chưa kể những câu hỏi nghiêng về kiến thức lịch sử như bà Triệu đánh giặc gì, Hai Bà Trưng đánh giặc gì? Thánh Gióng đánh giặc gì các em đều không biết.
Clip còn thu được những cuộc tranh luận thú vị giữa sự giống và khác nhau của con trâu và con bò. Trong khi bạn khẳng định: Con trâu thì có sừng, con bò không có sừng thì một học sinh khác cho rằng: Bò đực có sừng. Tiếp theo là tranh luận giữa việc trâu đi cày còn bò trên bờ ăn cỏ? Con bò màu nâu hay con bò màu cam?
Không phải lỗi do học sinh
Trước thực trạng này, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Đây không hải lỗi do học sinh mà là lỗ hổng do cách dạy, chương trình học.
Cụ thể, giáo dục hiện tại chiếm tới ¼ kiến thức là những “môn học buồn ngủ” cần được cắt bỏ. Nếu trước kia chúng ta chưa có xã hội học tập nên phải dồn ép học sinh học mọi thứ, coi đó là nồi cơm để các em ra ngoài đời kiếm sống. Nhưng bây giờ không cần ép các em những kiến thức rộng lớn, bởi không thể trong một thời gian ngắn các em có thể học hết được mà cần dạy một cách khoa học hơn.
|
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Giáo dục hiện tại chiếm tới ¼ kiến thức là những “môn học buồn ngủ” cần được cắt bỏ. |
Đối với bậc tiểu học, không cần học nhiều môn mà cần phải tích hợp. Để tạo hứng thú cho học sinh có thể một bài văn mà qua đó học sử. Ví như sự kiện Hai Bà Trưng, khi làm văn thì ra đề về hai bà nổi dậy đánh giặc Hán thì vừa học văn vừa học sử. Hay đất nước ta có bài Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, vừa học văn vừa học địa. Đó là tích hợp kiến thức, tích hợp môn, để học sinh không cần học nhiều môn như hiện nay và cảm thấy học nhẹ nhàng.
Cần phải có một mô hình dạy học sáng tạo hơn. Cụ thể, PGS Trần Xuân Nhĩ đã từng thăm quan mô hình dạy học ở nước ngoài, để tìm hiểu về Thủ tướng của một nước thì trong bài giảng, giáo viên sẽ đưa ra hình vẽ 4 người khác nhau và câu hỏi đặt ra đó là: Ai là thủ tướng? Như vậy, bài học này vừa cung cấp kiến thức cho học sinh, vừa khắc họa được chân dung người thủ tướng với các em. Đối với những kiến thức về hồ Gươm, Văn Miếu Quốc Tử Giám có thể cho học sinh thực hành theo nhóm, cùng bàn luận sôi nổi.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng kể lại trong một lần tham quan cách dạy, cách học của học sinh tại Singapore đã thấy cách dạy của họ rất sáng tạo. Trong một lớp có 24 học sinh, thầy giáo sẽ hướng dẫn các em học bài gì, lên mạng lấy tài liệu ra sao, chia nhóm đề tài để cùng báo cáo. Các nhóm có nhiệm vụ chia nhau công việc để hoàn thiện bài tập, học sinh này thuyết trình thì học sinh kia bổ sung. Cách học này giúp học sinh nhớ lâu kiến thức.
Còn cách dạy học ở Việt Nam tuân thủ theo kiểu thầy nói, học sinh không nghe nên cuối kỳ mới kiểm tra thì các em chỉ có học vẹt và đối phó. Hiện tại cần phải học cách dạy tiên tiến ở các nước, đánh giá thường xuyên thì các em mới có hứng thú học được. Cần bỏ cách dạy thụ động sang chủ động, ví dụ đơn giản như đừng dạy học sinh “this is” mà hãy hỏi học sinh “what is” để khơi gợi trí thông minh, tưởng tượng của các em.
PGS Trần Xuân Nhĩ tâm sự: "Tôi có đứa cháu học lớp 3, nhưng có tới 17 quyển sách toán tham khảo được bố mẹ mua cho. Tôi đã xem qua những cuốn sách đó và thấy tất cả đều xào xáo bát nháo. Vì vậy, việc viết sách cũng phải được lưu tâm, viết cụ thể và tâm huyết hơn. Về nội dung SGK cũng cần phải thay đổi, nhưng không nhất thiết phải viết lại từ đầu, điều này gây lãng phí tiền của rất nhiều cho xã hội. Từ đổi mới hệ thống giáo dục, nội dung các môn học cũng phải thay đổi, cái gì cần thì dạy, thiếu thì bổ sung, thừa thì loại bỏ, từ đó sách giáo khoa cũng cần viết lại cho phù hợp hơn".
Cho học sinh đi thực tế tại nông thôn
PGS Trần Xuân Nhĩ đã có sáng kiến góp ý cách bổ trợ kiến thức cho các em bằng những cách hết sức thực tiễn. Theo GS, sau khi kết thúc chương trình học ở bậc Trung học Phổ thông nên cho học sinh về nông thôn trong vòng 3 tháng để hiểu được những khó khăn của đời sống nông thôn. Nếu có 1 triệu học sinh giúp cho những người nông thôn nấu nướng, chăm sóc những người già và trẻ em thì thu được nhiều kết qua bất ngờ. Học sinh cũng được mở mang kiến thức, tránh tình trạng các em không phân biệt được những điều cơ bản như: Con trâu con bò khác nhau như thế nào?
|
Học sinh thành phố tập làm nông dân (Ảnh Internet) |
PGS Trần Xuân Nhĩ kể lại, ngày còn học nội trú, trường học đã giao cho mỗi một học sinh trong một mùa hè sẽ phải xóa mù chữ cho 10 học sinh khác. Nếu tiếp tục thực hiện công việc này, mỗi năm có 1 triệu học sinh xóa mù chữ cho người nghèo thì trong vòng 1 năm trên đất nước Việt Nam sẽ xóa sạch mù chữ.
Trong môi trường học tập ở nông thôn, các em cũng có thể học quốc phòng vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm chi phí. Học sinh chịu đựng gian khổ quen sẽ làm nền tảng để em bước vào cuộc sống. PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh: Điều này sẽ tốt hơn rất nhiều tình trạng các em học sinh tháng hè đi nhậu nhẹt, đàn đúm gây hệ lụy xã hội.