Thứ Hai, 26/09/2022, 07:13 PM
ND giáo dục địa phương và HĐ trải nghiệm xếp ở tổ chuyên môn nào cho hợp lý?

Nội dung giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã mang một số phận "bơ vơ"- cho dù đây được xem là những hoạt động giáo dục bắt buộc.

Ở cấp tiểu học, việc chia tổ chuyên môn thường được chia theo khối, những giáo viên dạy cùng khối sẽ cùng sinh hoạt chuyên môn trong 1 tổ với nhau, những giáo viên dạy các môn chuyên có thể được xếp chung một tổ hoặc xếp đan xen với tổ chuyên môn của các khối lớp.

Tuy nhiên, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông lại hoàn toàn khác vì các tổ chuyên môn thường là những giáo viên dạy cùng môn với nhau. Những tổ ghép thường là những môn ít tiết hoặc trường loại II, loại III thì mới ghép lại với nhau.

Tuy nhiên, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có thêm những môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc không được xếp vào tổ chuyên môn cụ thể nào cho hợp lý. Đó là Nội dung giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Đây là một nghịch lý đang tồn tại ở đa phần các trường học hiện nay.

ND giáo dục địa phương và HĐ trải nghiệm xếp ở tổ chuyên môn nào cho hợp lý? ảnh 1

Dù là một hoạt động giáo dục bắt buộc nhưng một số hoạt động đang có số phận kỳ lạ

(Ảnh: Nhật Duy)

Những hoạt động giáo dục của chương trình mới mang một số phận kỳ lạ

Theo cách gọi về môn học, hoạt động giáo dục khi ban hành Chương trình tổng thể, Chương trình môn học thì Nội dung giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được gọi là “hoạt động giáo dục”.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang được triển khai ở lớp 6, lớp 7 và lớp 10, chúng ta thấy phần các môn học đều có “danh phận” rõ ràng nên được nhà trường, giáo viên, học sinh đầu tư, xem trọng.

Riêng Nội dung giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã mang một số phận "lạ" - cho dù đây được xem là những hoạt động giáo dục bắt buộc ở 2 cấp học này.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được quy định mỗi năm học 105 tiết (mỗi tuần có 3 tiết) và hoạt động giáo dục này có số tiết chỉ ít hơn môn Toán và Văn và nhiều tiết hơn những môn học khác.

Thế nhưng, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đang được chia nhỏ ra thành… “3 mảnh” ghép khác nhau. Đó là 1 tiết dành cho chào cờ, 1 tiết sinh hoạt lớp vào cuối tuần và một tiết dạy kiến thức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Nhưng, vẫn kiểm tra thường xuyên, định kỳ số lần như bao môn học khác.

Nội dung giáo dục địa phương còn trớ trêu hơn nhiều vì được quy định có 35 tiết/ năm (thực dạy chỉ 31 tiết, 4 tiết dành cho kiểm tra định kỳ) nhưng nó có 6 phân môn khác nhau, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật và được sắp xếp thành những đơn vị kiến thức riêng lẻ.

 

Mặc dù cả 2 hoạt động giáo dục này khi mới nghe tên, ai cũng thấy thú vị lắm vì:

Một hoạt động là giúp cho học sinh có được những trải nghiệm cần thiết, giúp cho các em tham gia các hoạt động tập thể, nhằm hình thành những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho học trò.

Một hoạt động theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng dẫn sẽ “trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…".[1]

Tuy nhiên, trong thực tế ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì 2 hoạt động giáo dục này đang có số phận lay lắt, bơ vơ và chẳng thuộc tổ chuyên môn nào hết.

Vì thế, khi xây dựng kế hoạch, giảng dạy, kiểm tra cũng không được chú trọng, phần nhiều là phụ thuộc vào giáo viên được phân công giảng dạy.

Rất khó thành lập tổ chuyên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương

Hiện nay, nhiều trường học đang giao Nội dung giáo dục địa phương cho ít nhất 3 tổ chuyên môn cùng giảng dạy (tổ Ngữ văn; tổ Sử- Địa- Giáo dục công dân; tổ Nghệ thuật) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phân công giảng dạy và tính định mức tiết dạy cho những thầy cô chủ nhiệm các lớp học.

Về nguyên tắc, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có số tiết nhiều, có số giáo viên giảng dạy đông vì tất cả những thầy cô chủ nhiệm lớp là giáo viên phụ trách hoạt động này nhưng vì họ ở tất cả các bộ môn khác nhau trong trường nên không thể thuộc biên chế của tổ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được.

Nội dung giáo dục địa phương thì mỗi lớp chỉ có 35 tiết/ năm nhưng lại có đến 6 giáo viên cùng giảng và họ đang thuộc biên chế của nhiều tổ chuyên môn khác nhau nên cũng không thể thành lập riêng 1 tổ Nội dung giáo dục địa phương.

Vì thế, 2 hoạt động giáo dục này chẳng thuộc biên chế tổ chuyên môn nào và cũng rất khó có thể thành lập ra những tổ chuyên môn mới. Tuy nhiên, môn học ắt phải có một người chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch giáo dục, sắp xếp phân phối chương trình học và chịu trách nhiệm duyệt đề khi kiểm tra định kỳ.

Vậy là một số Ban giám hiệu nhà trường “tạm giao” nhiệm vụ cho một giáo viên chịu trách nhiệm chính về các hoạt động này với tên gọi “nhóm trưởng” .

 

Nhóm trưởng Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thường được giao cho giáo viên Tổng phụ trách Đội hoặc Bí thư thư Đoàn trường và Nội dung giáo dục địa phương giao cho tổ trưởng Ngữ văn.

Tất nhiên nhóm trưởng không có quyền lợi gì nhưng trách nhiệm thì rất nhiều vì họ phải xây dựng kế hoạch bộ môn, làm phân phối chương trình và duyệt đề kiểm tra.

Rõ ràng, mục đích và mục tiêu xây dựng 2 hoạt động giáo dục này là rất tốt nhưng cách triển khai hiện nay ở ngành Giáo dục mà đặc biệt là ở các nhà trường đang gặp vấn đề, đang rất lúng túng và có nhiều cách sắp xếp khác nhau.

Một hoạt động giáo dục mà nó không thể thuộc một tổ chuyên môn nào, không có người chịu trách nhiệm chính mang tính ràng buộc về pháp lý rất khó nghĩ đến tính hiệu quả, khả thi khi thực hiện ở cơ sở.

Song, xếp giáo viên dạy, đảm nhiệm Nội dung giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vào tổ chuyên môn nào thì quả là khó khăn, không có một hướng dẫn cụ thể nào. Trong khi, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mỗi tuần có tới 3 tiết/ lớp nhưng cách thực hiện chưa khoa học, mang tính hệ thống kiến thức.

Một “kịch bản” dù có hay đến đâu nhưng thiếu người “đạo diễn” thì cho dù “diễn viên” tài năng đến đâu cũng khó có thể sáng tạo ra những “tác phẩm”- đó là một thực tế. Huống hồ, Nội dung giáo dục địa phương lớp 7 và lớp 10 năm nay còn rất nhiều địa phương chưa có sách giáo khoa thì giáo viên lấy gì để dạy?

Những vướng mắc này, rất cần những định hướng từ bộ phận chuyên môn của cấp Bộ, đặc biệt là Vụ Giáo dục Trung học để các nhà trường, giáo viên dễ dàng thực hiện và đó cũng là mục tiêu mà chương trình 2018 đã đề ra và hướng tới.

Theo Giaoduc.net.vn
print

Copyright © 2012