Trường THCS, THPT Nguyễn Văn Linh

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

1. Hiệu Trưởng:
SĐT: 02596.559.009
DĐ: 038.5959.330
2. Thanh tra nhân dân:
DĐ: 094.8822.904

Liên kết

Cổng thông tin tuyển sinh BGDĐTBộ Giáo dục và Đào tạoWebsie Sở GD-ĐT Ninh ThuậnThông tin tuyển sinh ĐH, CĐ 2012Bài giảng Elearning
ky thi thpt quoc gia

Để ôn thi tốt nghiệp hiệu quả

Thứ Sáu, 30/03/2012, 01:31 PM
Lượt xem: 4404

TTO -  Những trọng tâm cần lưu ý khi ôn tập các môn thi tốt nghiệp, kinh nghiệm hệ thống kiến thức từng môn học...TTO đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm thế nào để ôn thi tốt nghiệp 2012 hiệu quả?”.

 

 

Toàn cảnh giao lưu trực tuyến - Ảnh: MINH ĐỨC

 

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến, từ trái sang, cô Nguyễn Ái Hằng, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM, ThS Vũ Thị Bắc - Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM, thầy Trương Tiếu Hoàng, tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Ban tư vấn gồm các thầy cô đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, thầy cô các bộ môn thi tốt nghiệp 2012.

Danh sách ban tư vấn gồm:

1. Thầy Nguyễn Duy Kha, trưởng phòng khảo thí - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT.
2. Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội.
3. Thầy Trương Tiếu Hoàng, tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM.
4. Cô Nguyễn Ái Hằng, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THPT Trần Phú, TP.HCM.
5. ThS Vũ Thị Bắc - Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM.
6.Cô Trần Thu Hảo, tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Tất Thành - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
7. Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM.

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Môn Toán có phải chỉ thi chương trình thuộc lớp 12? Mong các thầy cô chia sẻ cho em một số cách để ôn luyện môn Toán cho tốt? (Em là một học sinh học yếu môn Toán). Em muốn tìm sách tham khảo đọc thì nên tìm cuốn nào? Tác giả là ai? Em xin chân thành cám ơn. ( Em đang ở TP.HCM) (Mai Công Tuấn, 18 tuổi, tuantkn84@...)

 - Thầy Trương Tiếu Hoàng, tổ trưởng bộ môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM:

Thí sinh phải học thuộc các công thức SGK. Khi đi thi:

- Đọc đề cẩn thận, xác định chính xác giả thiết của đề bài và chú ý đặt các điều kiện cần thiết.

- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nên làm phần kết luận cho từng câu để có thể kiểm tra lại đã thực hiện các yêu cầu của câu hỏi chưa?

Các em nên tham khảo thêm sách bài tập của SGK.

* Đề thi tiếng Anh có yêu cầu cả bốn kỹ năng nghe - nói -  đọc - viết không? Nếu có, phần đề môn nghe, đọc sẽ có dạng như thế nào? Em ở tỉnh, không được học thêm Anh văn, không được giao tiếp, cũng không có băng đĩa gì để nghe. Bài học ở lớp thì khó và khô khan nữa. Nhiều bạn em cũng nghĩ vậy.

Em lo lắng, đối với tụi em môn Anh văn được 5 điểm là mừng lắm. Xin cô hướng dẫn cách học để tụi em có thể đạt điểm trung bình (có thể chỉ tập trung vào những phần nào dễ nhất thôi). Cảm ơn cô (Nguyễn Thị Trúc Đào, daotrucnguyenthi099@...)

Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

- Cô Trần Thị Liễu, tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM:

Đề thi tiếng Anh có 50 câu trắc nghiệm, như vậy sẽ không có kiểm tra kỹ năng nghe nói, để có được điểm trung bình các em cần nắm vững các kiến thức cơ bản của môn tiếng Anh đã được học trong 3 năm cấp 3. Cụ thể như cách sử dụng các thì, sự phối hợp các thì trong câu, cách sử dụng từ trong 1 câu cho chính xác (các em cần phân biệt danh từ, tính từ, trạng từ...). Về thì các em cần nắm các thì chính thường được sử dụng như Simple present, present continuous, simple past, present perfect, simple furture, past continuous.

Các em cũng cần biết sử dụng các liên từ để phối hợp các thì trong câu cho chính xác. Khi xác định thì các em cũng cần phải phân biệt số ít, số nhiều, active hoặc passive voice. Khi làm phần đọc hiểu đoạn văn, các em không nên chọn đáp án ngay lần đọc đầu tiên. Cần đọc đi đọc lại đoạn văn ít nhất là 2 lần, vì đôi khi chính những câu sau trong đoạn văn sẽ gợi ý đáp án cho câu trước. Em cũng cần tham khảo câu trả lời của cô về phần phát âm và dấu nhấn để có thể có được điểm 5 trong bài thi tiếng Anh. Chúc em thành công.

* Các thầy cô cho em hỏi cấu trúc đề tốt nghiệp tiếng Anh gồm những phần nào? Phần nhấn âm và phát âm có những từ có trong SGK phải không ạ?(Thanh Phương, 18 tuổi, babylovevas@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Cấu trúc đề thi tiếng Anh gồm có 3 câu phát âm, 3 câu dấu nhấn, 1 đoạn văn đọc hiểu (4 câu hỏi), một đoạn văn điền từ (6 từ), các câu còn lại bao gồm những điểm ngữ pháp đã học trong chương trình, cụ thể như tenses, passive voice, relative clauses.... Phần ngữ nghĩa (trong 1 câu có 1 từ gạch dưới, học sinh chọn từ đồng nghĩa), phần viết lại câu (đã cho sẵn 4 gợi ý thí sinh chọn), phần speaking (từ 3 đến 4 câu), tất cả các câu hỏi đều là dạng trắc nghiệm (50 câu).

Phần nhấn âm vá phát âm chắc chắn cũng sẽ tương tự như những gì các em được học, được kiểm tra trong lớp, còn từ nào thì do người ra đề thi quyết định, giáo viên không thể biết được.

* Năm nay thi tốt nghiệp có những môn khá khó cho học sinh như lịch sử, hóa học. Xin hỏi đề thi ở mức nào, học sinh trung binh yếu có cơ hội đậu không? (Nguyễn Văn Hoành, 18 tuổi, doidaogian.cantinh@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha:  Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành quy định rõ nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bao quát được nội dung dạy học, đáp ứng yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng,  phù hợp về thời gian quy định cho từng môn thi và đảm bảo cho học sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Nếu chăm chỉ, cố gắng đều có thể đạt kết quả tốt nghiệp.

* Ôn tập môn Văn cần lưu ý những nội dung gì ạ? (ngyen thanh tam, 18 tuổi, thuy_linh-kute@...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Câu hỏi của em là toàn bộ hai cuốn sách tập I và II môn ngữ văn lớp 12. Tuy nhiên, cô có thể trả lời ngắn gọn là em phải nắm vững cấu trúc của đề: một là câu tái hiện kiến thức (2 điểm), hai là câu nghị luận xã hội (3 điểm), và câu thứ ba là nghị luận văn học (5 điểm). Thế cũng có nghĩa là em phải ôn học thuộc lòng khá nhiều, nhưng nếu nắm chắc trong quá trình học những ý chính thì việc được 5 điểm không khó.

Cụ thể em nên hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập bảng các bài học. Ví dụ: chia theo thơ gồm có các bài thơ nào theo thứ tự chương trình và văn là những bài nào. Sau đó rà soát lần lượt ôn theo trình tự nhất định, tránh nhảy cóc rồi quay lại sẽ lẫn lộn.

* Em xin hỏi cô Liễu, theo cô thấy bài làm môn tiếng Anh thường mất điểm ở phần nào? Làm sao tránh ạ? Cần lưu ý những gì để học và làm bài thi tiếng Anh tốt?

- Cô Trần Thị Liễu: Thường khi làm bài phần đọc hiểu các em hay hấp tấp chọn ngay đáp án khi mới đọc qua, trong khi đó trong 4 sự chọn lựa thường có 1 trả lời gần đúng với đáp án, do đó nếu không đọc và chọn lựa kỹ các em dễ mất điểm ở phần này.

Trong phần ngữ pháp những câu áp dụng về thì, các em cần phải chú ý kỹ đây là câu chủ động hay bị động, số ít hay số nhiều. Khi làm bài trắc nghiệm các em nên bôi đen từng câu trả lời một, không nên chờ đến cuối mới đánh vào bảng trả lời các câu hỏi, vì như thế các em có thể bị nhầm lẫn một câu, sẽ kéo theo nhiều câu bị sai.

Trong quá trình làm bài nếu có câu hỏi nào chưa có đáp án các em nên đánh dấu trong đề thi câu hỏi đó để sau khi làm xong những câu dễ các em sẽ trở lại làm những câu này và điều này cũng giúp cho các em tránh được việc đánh nhầm đáp án cho câu hỏi. Chúc em làm tốt bài thi.

* Phương pháp học ôn lịch sử như thế nào có hiệu quả ạ? Em cảm ơn (Nguyễn Việt Hải, 17 tuổi, blueweasley@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Trước hết em hãy nắm kỹ chương trình, phần nào giảm tải, phần nào đọc thêm. Thứ hai, các em cần lập kế hoạch ôn tập, cụ thể là chia thời gian ôn tập thành nhiều vòng (ít nhất là 3 vòng ôn).

Thứ ba, học lịch sử cũng như học Toán, Lý, các em phải vừa học, vừa viết, hoặc vẽ, lập sơ đồ. Ví dụ như học về các chiến dịch lịch sử.

Đó là phương pháp chung, còn phương pháp học một bài sử thì trước hết các em cần đọc qua một lần để nắm kiến thức cơ bản. Bước tiếp theo, phải xác định mốc thời gian trong bài học. Sau đó, học từng phần, từng đề mục. Sau khi học hết các đề mục trong bài thì các em mới học lại toàn bài. Các em cần đọc lại bài ít nhất 3-5 lần để khắc sâu kiến thức.

* Đề hóa học (chương trình cơ bản) có những phần đã được giảm tải không? Mong quý thầy cô cho em biết (Ngô Trần Nhật, 18 tuổi, nhat_thien1993@...)

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có nội dung nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và phù hợp với nội dung đã được điều chỉnh trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học bậc trung học của Bộ GD-ĐT.

Như vậy, những phần đã được giảm tải như em hỏi, không có trong nội dung đề thi.

* Làm thế nào để em có thể hệ thống hóa kiến thức một cách đầy đủ nhất chương trình Địa lí 12 (Trần Trung Kiên, 18 tuổi, thusinh_1994@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Để hệ thống hóa kiến thức một cách đầy đủ nhất chương trình địa lý lớp 12, em có thể làm theo các cách sau:

- Đọc lại bài, tìm các từ khóa trong bài sau đó diễn đạt lại theo cách của mình, có thể dùng các kí hiệu, hình vẽ tùy theo ý mình.

- Sử dụng sơ đồ hình cây để hệ thống lại kiến thức nên đi từ khái quát đến cụ thể (không nên đi từ chi tiết đến khái quát). Ở đây các em có thể sử dụng sơ đồ tư duy cũng được, miễn làm sao cho dễ nhớ, dễ học là được.

- Nội dung chương trình lớp 12 được chia ra chủ yếu làm 4 phần là :

+ Các nguồn lực để phát triển kinh tế

+ Dân cư và nguồn lao động

+ Các ngành kinh tế

+ Các vùng kinh tế

Em cần nắm rõ các nguồn lực từ đó phân tích sự ảnh hưởng của nguồn lực đến sự phát triển kinh tế ngành và sự phát triển kinh tế vùng, nhớ là không nên học máy móc mà cần phải hiểu và nắm rõ vấn đề bởi các nội dung trong môn địa lý lớp 12 có mối quan hệ với nhau, nếu nắm được từng phần em sẽ học được các phần khác rất nhanh. Chúc em ôn thi tốt môn địa lý lớp 12.

* Cho em hỏi phương pháp ôn tập và thi đạt kết quả tốt môn Ngữ văn cả ôn thi tốt nghiệp và đại học.  Môn Văn thì nhiều dẫn chứng và có những phần giáo viên lướt qua hoặc không dạy ( như những nhân vật phụ). Vậy khi ôn thi, em có nên bỏ qua những phần đó hay không? Những phần Bộ giảm tải thì đề đại học có ra không? (Phạm Đình Bảo, 18 tuổi, pham_daithieugia@...)

Cô Nguyễn Kim Anh (áo khoác), giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Cô Nguyễn Kim Anh: Thứ nhất, yêu cầu của hai kỳ thi khác nhau nên không thể một công đôi việc hoàn toàn, song nếu ôn tốt cho kỳ thi tốt nghiệp thì việc ôn thi đại học sẽ nhàn hơn rất nhiều. Nếu ôn tốt nghiệp là những nhân vật chính thì ở ôn thi đại học sẽ bổ sung cả những nhân vật phụ và những chi tiết nghệ thuật đặc tả trong tác phẩm sẽ được bình sâu ở kỳ thi đại học.

Thứ hai, cần có cách để nhớ dẫn chứng. Đó không hoàn toàn là học thuộc lòng những đoạn văn dài nhưng các em buộc phải nhớ những câu hoặc cụm từ tiêu biểu. Ví dụ: khi nói về vẻ đẹp của cô Mị, tác giả chỉ nói gián tiếp "trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị". Câu này phải nhớ. Song mẹo nhớ là nên đi cùng với hình ảnh trong hình dung thì bài sẽ đọng hơn. Tuy nhiên, có lúc ngồi làm bài, nếu không biết mình nhớ có chính xác không, thì không nên đưa vào ngoặc kép. Như trường hợp trên, có học sinh viết là "đầu giường Mị" - gây hiểu nhầm - hay lỗi nhẹ hơn là "đầu phòng Mị" thì vẫn phải bỏ dấu ngoặc kép. Khi đó là văn của người viết bài, sẽ đỡ lo bị trừ điểm.

Những phần Bộ giảm tải, chắc chắn sẽ không có trong một câu hỏi chính thức của đề thi tốt nghiệp cũng như đại học. Nhưng môn Văn không thể bỏ qua kỹ năng liên tưởng, liên hệ. Nếu học sinh có được kiến thức từ những bài đã được giảm tải, chắc chắn sẽ thuyết phục giám khảo hơn nhiều. Bài văn sẽ phong phú và cho thấy người học chịu khó rộng mở, thu nhận kiến thức. Người học đối phó không thể có bài viết như vậy. Tôi đã từng đi chấm thi nhiều, tôi luôn trân trọng các bài thi có phần mở rộng, liên hệ, sáng tạo. Các đồng nghiệp khác của tôi đều như thế. Nhất là trong trường hợp chấm nhiều bài, thì bài nào có nét riêng sẽ được đánh giá cao hơn.

* Thưa cô cho em hỏi cách để có thể khai thác tốt nhất Atlat cho việc làm bài? Em xin chân thành cám ơn! (hà văn minhh hoàng, 18 tuổi, havanminhhoang@...)

- Cô Vũ Thị Bắc: Atlat được dùng trong việc rèn luyện kĩ năng phân tích xử lí số liệu, vì thế muốn sử dụng Atlat hiệu quả em cần vừa học kiến thức trong sách giáo khoa vừa tham khảo thêm số liệu trong Atlat. Hầu hết các số liệu về các ngành kinh tế và các vùng kinh tế đều có trong Atlat. Ví dụ, khi học bài 22 vấn đề phát triển nông nghiệp em cần tham khảo thêm trong Atlat phần bản đồ nông nghiệp chung và tình hình phát triển của cây lương thực, cây công nghiệp lâu năm và hàng năm. Như thế em vừa đỡ phải nhớ nhiều số liệu, vừa khai thác được Atlat một cách hiệu quả.

Tuy nhiên cũng không nên quá phụ thuộc vào Atlat bởi Atlat chỉ được khai thác hiệu quả khi em đã có kiến thức cơ bản môn Địa lý lớp 12. Nếu trong lúc học em không thực hành chung với Atlat thì sẽ rất lúng túng khi đi thi.

Môt điều lưu ý là khi đọc Atlat có hai trang em cần tham khảo nhiều là phần Các kí hiệu chung trang đầu tiên và phần mục lục trang cuối. Khi có phần tham khảo trong Atlat em cần xem phần mục lục để tìm đúng bản đồ cần xem và tham khảo phần kí hiệu để đọc cho đúng.

* Cho em hỏi cách làm bài môn Hóa học? Làm sao để hệ thống lại lý thuyết hóa và nhận dạng các bài toán hóa học? (Tran Huu Phuc, 18 tuổi, vanphuag@...)

- Cô Trần Thu Hảo: Xin trả lời em theo hai nội dung:

Cô Trần Thu Hảo (phải), tổ trưởng tổ hóa học Trường THPT Nguyễn Tất Thành - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thứ nhất, về cách làm bài môn Hóa: Trước tiên, em chọn những câu có tính chất thuộc lòng, dựa vào đáp án để làm trước. Sau đó, em chọn những câu trên cơ sở suy luận về lý thuyết để làm bài tập lý thuyết (như là nhận biết điều chế...) và cuối cùng là những câu thuộc về bài tập tính toán. Đó là cách tận dụng được thời gian làm bài ngắn nhất, đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ hai là hệ thống và nhận dạng các bài toán hóa học. Em có thể hệ thống lý thuyết Hóa học lớp 12 theo hai phần vô cơ và hữu cơ:

+ Về hóa hữu cơ: Mỗi loại hợp chất cần nắm vững bốn phần trọng tâm:

    * Đồng đẳng, đồng phân, danh pháp

    * Đặc điểm, tính chất lý học

    * Tính chất hóa học

    * Điều chế

+ Về hóa vô cơ: Thí sinh nên hệ thống theo từng phần để tiện so sánh. Ví dụ:

    * Các đơn chất kim loại: kim loại nhóm A (IA, IIA, Nhôm), kim loại nhóm B (Sắt, Crom, Đồng)

   * Các hợp chất của chúng: Hợp chất của Natri; Hợp chất Canxi; Hợp chất của Nhôm; Hợp chất của Sắt, Crom, Đồng.

Em có thể nhận dạng bài toán hóa học qua những dấu hiệu chỉ điểm đặc trưng như sau:

+ Với bài toán hóa hữu cơ: Trên cơ sở tính chất hóa học của từng loại hợp chất,  thi sinh có thể gặp các dạng bài: * Tìm được công thức phân tử;

       * Dựa vào phản ứng hóa học để giải bài toán hỗn hợp

+ Với bài toán vô cơ: Thí sinh có thể gặp các dạng bài toán sau:

                       *Kim loại tác dụng với: Phi kim, Axit, Kiềm, Dung dịch muối

                      *Bài toán về phản ứng nhiệt nhôm

                      * Bài toán về điện phân

* Môn sử chúng em học hay quên ngày tháng năm, làm sao em có thể nhớ nội dung và kể cả ngày  tháng năm (nguyễn kim thư, 18 tuổi, vickyphucan@...)

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Để nhớ nội dung lâu, các em phải hiểu bài. Về ngày tháng năm, để nhớ được, các em có thể dùng biện pháp liên tưởng, ví dụ ngày tháng năm lịch sử đó có thể là sinh nhật của ai đó thân thiết, hoặc là ngày họp mặt, ngày chia tay... Ngoài ra, trước khi học một bài các em cần xem bài đó nằm trong giới hạn khoảng thời gian nào, thông tin này có trong tiêu đề bài học.

* Em xin hỏi bài thi môn toán thường dễ mất điểm ở những lỗi nào? Làm sao tránh? Em nên phân bổ thời khóa biểu môn Toán như thế nào?

Thầy Trương Tiếu Hoàng: Lỗi các thí sinh thường gặp trong quá trình làm bài :

- Không đọc kỹ đề bài, nhầm lẫn các giả thiết

 

- Không nắm đầy đủ các yêu cầu của đề bài, chưa làm hết câu, thiếu kết luận.

- Thiếu cách đặt các điều kiện cần thiết hoặc quên so với điều kiện sau khi giải bài.

- Chép các dữ kiện từ đề bài ra bài làm bị sai

- Tính sai 1 kết quả và sử dụng kết quả đó làm tiếp dẫn đến sai hàng loạt câu sau tuy rằng cách làm đúng .

Các em nên ôn tập mỗi ngày 2 tiếng (1 ngày ôn giải tích, 1 ngày ôn hình học)

* Làm cách nào để học thuộc bài Sử nhanh và nhớ lâu? (pj, 18 tuổi, pj_luv1201@...)

 

- Cô Nguyễn Ái Hằng: Thứ nhất là em phải thật tâp trung khi học. Thứ hai, em phải hiểu kỹ nội dung từng phần của bài. Phải hiểu thì mới nhớ lâu được em à.

 * Thưa cô, học sinh trung bình (dở môn Văn) nên tập trung vào phần nào trong ba phần của để thi? (thanhthuythixdua@...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Dù dở thế nào thì em cũng biết mình có khả năng phân tích thơ hơn hay phân tích văn hơn. Nếu đâu là điểm chưa mạnh thì lúc này "đầu tư" vẫn kịp. Ví dụ: đã từng có những học sinh học lệch văn hoặc thơ, và nghĩ rằng sẽ chọn ở câu 5 điểm làm một trong hai thể loại này. Tuy nhiên, cách đây mấy năm đề thi cả hai câu đều là văn. Vì vậy không nên tự chặn con đường của mình.

Câu nghị luận xã hội không bó hẹp kiến thức nên học sinh cũng dễ có được điểm 1,5 đến 2 điểm miễn là biết suy luận và có hiểu biết từ cuộc sống. Ví dụ: với đề hỏi về tác dụng của việc đọc sách. Các em hoàn toàn không phải ôn tập song cần phải là người từng đọc sách, từng mê sách thì chắc chắn bài làm sẽ thuyết phục được người chấm. Cũng có trường hợp chỉ nghe thầy cô và cha mẹ nói về tác dụng của đọc sách mà em viết vào bài làm cũng vẫn có thể đạt điểm không tệ. Những câu yêu cầu kiến thức xã hội không được bỏ qua hay xem nhẹ.

Cũng cần lưu ý có câu trong đề không nói thẳng mà mượn một câu ví von, so sánh, ...thì phải có thao tác quy đổi. Ví dụ: "Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta cũng vương mùi hương." Có thể hiểu là đề yêu cầu viết về tình bạn và sự giúp đỡ, hy sinh cho tình bạn.

* Em xin hỏi từ giờ tới lúc thi, học môn toán như thế nào để có 5 điểm (ở lớp em cũng chỉ đạt khoảng 5 điểm thôi). Còn nữa, xin thầy chỉ cách làm bài không sai để không bị trừ điểm? (thongreovivu_dl@...)

 - Thầy Trương Tiếu Hoàng: Trước tiên em phải học thuộc các công thức trong SGK, trong quá trình làm bài kỹ năng tính toán phải tốt. Thông thường, các thí sinh thường mắc các lỗi:

- Sử dụng ký hiệu tùy tiện mà không giới thiệu.

- Làm bài quá vắn tắt, không giải thích, thiếu lập luận

- Chọn phương pháp giải toán quá cầu kỳ, kỹ xảo trong khi đó có thể chọn cách giải đơn giản hơn.

 

 

-Không đánh số thứ tự của câu khi làm bài gây khó khăn, mất cảm tình của giám khảo.

 

* Phần phát âm trong đề thi thường có dạng như thế nào, chiếm bao nhiêu điểm? (honghanhdethuong@...)

- Cô Trần Thị Liễu: Phần phát âm cũng như dấu nhấn chiếm 3 đến 4 câu (thường là 3) trên tổng số 50 câu. Các em cần chú ý kiến thức nhận ra dấu nhấn của môt từ, vídụ: danh từ có 2 vần thì dấu nhấn ở đâu? Động từ ở đâu?, từ có 3 vần trở lên như thế nào. Các em cũng cần chú ý tiếp vĩ ngữ của các từ để xác định dấu nhấn của từ. Phần phát âm các em cần biết phân biệt những nguyên âm xuất hiện với những từ a, e, o, i, ea và những phụ âm như ch, sh, th...

* Các bạn em nói nếu học dở toán quá, nên tập trung học phần khảo sát hàm số thôi, vào phòng thi làm thêm vài phần nhỏ nữa là đủ điểm trung bình... Theo thầy, HS trung bình tụi em có thể hưởng trọn điểm phần khảo sát hàm số không, ngoài ra em nên tập trung phần nào nữa, phần nào dễ học và dễ có điểm? (tranchitrung357@...)

- Thầy Trương Tiếu Hoàng: Phần khảo sát hàm số bất kỳ kỳ thi tốt nghiệp nào cũng có. Phần này dễ nhưng khi làm bài phải cẩn thận theo các bước mà thầy cô đã dạy trên lớp. Muốn có điểm tối đa phần này, kỹ năng tính toán của học sinh phải tốt.

Theo thầy, phần dễ kiếm điểm là phần hình học giải tích không gian (phần riêng) vì không đòi các em suy luận nhiều mà chỉ cần áp dụng đúng công thức và tính toán chính xác.

* Em có thể ôn theo các cuốn sách hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp được không? Hay là ôn sách học ở trên trường mình đang học(nguyễn thanh hoàng, 18 tuổi, beauty_boy0606@...)


Thầy Nguyễn Duy Kha, trưởng phòng khảo thí - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - Ảnh: Nguyễn Khánh

- Thầy Nguyễn Duy Kha: Tài liệu dùng để học và ôn luyện tốt nhất cho các em là sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình hiện hành. Các em có thể tham khảo thêm các tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp. Nhưng cần lưu ý các tài liệu này trên thị trường sách hiện nay rất đa dạng. Vì vậy cần phải có bản lĩnh để lựa chọn những tài liệu thật cần thiết, bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản, để không rơi vào tình trạng "đa thư loạn mục".

* Thưa cô cho em hỏi, học môn văn như thế nào để có thể được 5 điểm. Đối với em kiếm điểm 5 môn này cũng không dễ? Đề thi có 3 phần, dài quá, thời gian không đủ để làm hoàn chỉnh được. Xin cô chỉ cách học và kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp môn Văn ạ? (hongdao _truongthi@...)

- Cô Nguyễn Kim Anh: Đầu tiên, cần lập ý sơ lược của các câu vào tờ giấy nháp. Sau đó, canh giờ dành cho từng câu. Cụ thể: câu 1 nên dành khoảng 20 phút, câu 2 khoảng 40 phút, còn lại 90 phút cho bài văn. Tất nhiên, không cần canh chính xác từng phút, song cũng phải lưu ý vì một đặc điểm của môn Văn, kể cả với học sinh giỏi, dễ bị để cảm xúc cuốn đi.

Nhiều năm qua, với câu 3 điểm - nghị luận xã hội, học sinh thường dồn toàn bộ cảm hứng mà quên rằng đó là câu 3 điểm. Thậm chí ra khỏi phòng thi, khoe bố mẹ làm được điểm vẫn là khoe về câu 3 điểm. Muốn đạt 5 điểm thì em nên xác định không được bỏ qua cả câu trên (2 điểm) và câu dưới (5 điểm). Kể cả câu 2 điểm, mình chỉ làm được 0,5 điểm cũng viết. Các cụ có câu "Năng nhặt chặt bị". Vì ở mỗi câu chỉ nhặt ra khoảng 60% đạt yêu cầu thì em mới yên tâm được điểm 5. Lý do còn xem chữ nghĩa, lỗi chính tả và cách diễn đạt của em thế nào nữa. Chúc thành công!

 

Theo tuoitre.vn

Những tin liên quan

hoc tap ho chi minh

Tuyên dương học sinhnew

Trần Đình Bắc

Lớp 9 - Học Sinh Giỏi Nhất Khối 9 - năm học 2023-2024.

Trần Thị Thanh Châu

Lớp 7/1 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

Võ Thị Hoàng Yến

Lớp 6/2 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

Nguyễn Minh Tín

Lớp 6/2 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

Trần Lê Duy Khang

Lớp 9/2 - Giải Nhất môn Lịch sử THCS cấp Tỉnh - năm học 2023-2024.

Trần Thư Huỳnh Như

Lớp 9/2 - Giải Ba môn Lịch sử THCS cấp Tỉnh - năm học 2023-2024.

Trần Thị Hồng Lam

Lớp 11C1 - Giải Ba môn Lịch sử THPT cấp Tỉnh - năm học 2023-2024.

Trịnh Quốc An

Lớp 10C1 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

Nguyễn Trang Bảo Trân

Lớp 10C1 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

Trần Thị Hồng Lam

Lớp 11C1 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

Lê Thị Phương Quỳnh

Lớp 11C1 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

Nguyễn Thị Thanh Vi

Lớp 11C1 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

Lê Thị Kim Ngân

Lớp 6/1 - Học Sinh Xuất sắc - năm học 2023-2024.

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNHThư viện pháp luật

    CỰU HỌC SINHnew

    Chưa có thông tin cựu học sinh.
    Hãy click ngay để là người đầu tiên đăng ký!
    Xem danh sách Đăng ký cựu học sinh