Viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và các tổ chức nghiên cứu khoa học tư. Quy định này được nêu rõ tại Luật Viên chức số 58/2010/QH12 do Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 29/11/2010.
Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực cung ứng dịch vụ công; phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ của viên chức về hoạt động nghề nghiệp, về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương, về làm việc, nghỉ ngơi, viên chức còn được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức và đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc tuyển dụng viên chức thực hiện thông qua thi tuyển hoăc xét tuyển trên nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật; bảo đảm tính cạnh tranh, tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng và người dân tộc thiểu số.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Quí thầy, cô xem chi tiết tại tập tin kèm theo.