Khi nói dối trở thành một thói quen thì đó cũng là lúc não bộ đã ‘bắt tay’ với chúng.
Công bố trên tạp chí Nature Neuroscience, Neil Garret - một nhà nghiên cứu tại Đại học College London (Anh) - cho biết hành vi không trung thực sẽ leo thang khi nó được lặp đi lặp lại.
Thật vậy, các liên kết hóa sinh chính là bằng chứng mạnh mẽ giúp các nhà khoa học có thể dự đoán chính xác một lời nói dối của ai đó đã sắp nói ra bằng cách nhìn vào kết quả quét não trước đó của họ, và nếu đã nói dối một lần, khả năng tiếp tục nói dối lần thứ hai sẽ cao hơn.
Theo tờ Huffington Post, các nhà khoa học tìm thấy khả năng phản hồi của một vùng nằm trong não sẽ ngày càng ít đi khi chúng ta gian dối, và điều đó sẽ khiến chúng ta nói dối nhiều hơn nữa.
Sau khi cho các tình nguyện viên tham gia một trò chơi với thể lệ rất đơn giản là nếu người chơi càng nói dối, họ sẽ càng có thêm nhiều tiền. Trong quá trình các tình nguyện viên tham gia trò chơi đơn giản này, các nhà nghiên cứu thực hiện quét não một số người trong số họ. Sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), các nhà khoa học phát hiện ở những người nói dối liên tục, hạch hạnh nhân của họ phản ứng ít hơn.
Ngoài ra, những người tham gia trò chơi cũng sẽ trở nên không trung thực khi họ nói dối chỉ vì lợi ích bản thân, đồng thời hạch hạnh nhân cũng ít phản hồi đi. Một số người thậm chí còn có thể nói dối ngay khi số tiền mà họ nhận được không tăng lên. Đó không phải là do họ đã tính toán hợp lý sau khi đưa ra quyết định, mà do trở nên chai sạn với những lời nói dối này.
Từ kết quả này, nhà tâm lý học Neil Garret và các cộng sự của ông nhận thấy, khi lừa dối ai đó, một thành phần của não bộ chịu trách nhiệm chi phối cảm xúc gọi là hạch hạnh nhân - sẽ được kích hoạt. Lúc đầu, có thể họ cảm thấy áy náy, xấu hổ vì những lời nói dối; nhưng về sau nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, hạch hạnh nhân bắt đầu phản ứng ít hơn và khi đó, nói dối đối với họ như chuyện bình thường bất chấp những chuẩn mực xã hội và đạo đức.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, yếu tố môi trường và văn hóa có thể giải thích cho hành vi không trung thực, nhưng khi não ‘đồng lõa’ với việc nói dối trong mọi hoàn cảnh hoặc trong mọi tình huống thì nó đã thật sự tạo ra một ‘lối mòn’ trong não bộ, điều này rất nguy hiểm vì có thể là nguyên nhân dẫn tới những thất bại trong cuộc sống.
📝 Nguồn: Báo Thanh Niên
#TâmLýHọcỨngDụng