Trao đổi riêng với PV báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Việc điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT hiện nay chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện vì chúng ta vẫn dạy và học theo chương trình hiện hành. Chúng ta cố gắng điều chỉnh tốt nhất theo hướng tiếp cận dần với chương trình giáo dục phổ thông mới theo yêu cầu của Nghị quyết TƯ 8”.
Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 gần như chắc chắn thi 4 môn.
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, Nghị quyết TƯ 8 yêu cầu đào tạo con người phát triển toàn diện, đồng thời mỗi người phát huy cao nhất tiềm năng của mình. Đối với học sinh THPT thì đạt yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực, giá trị công dân Việt Nam, đồng thời tiếp cận với nghề nghiệp. Chính vì vậy, đối với kì thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cũng hướng tới một mặt bằng chung trong việc thi và xét tốt nghiệp. Trong việc công nhận tốt nghiệp thì chúng ta hướng tới mặt bằng nghĩa là giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chú ý đến việc tiếp cận nghề nghiệp.
Hướng tới mặt bằng nên chúng ta đưa điểm học của tất cả các môn vào trong điều kiện dự thi và tham gia vào việc xếp loại tốt nghiệp; môn công cụ như Ngữ Văn, Toán là môn thi bắt buộc. Việc chọn môn thi chính là tiếp cận định hướng nghề nghiệp, học sinh hứng thú về nghề nghiệp nào thì các em có thể học sâu hơn về vấn đề đó, đây là chuyện hết sức bình thường.
Nhiều giáo viên lo lắng với việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn nhưng lại có hai môn tự chọn sẽ dẫn đến học sinh bỏ học các môn khác. Chẳng hạn như môn học được xã hội nhắc đến nhiều trong thời gian qua là môn Lịch Sử. Thứ trưởng nghĩ sao về sự lo lắng này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Môn Sử cũng như các môn khác đều có thi nhưng nằm trong môn thi tự chọn. Kiến thức và các giá trị học được từ lịch sử không chỉ nằm trong môn Lịch sử. Kiến thức lịch sử, giá trị con người Việt Nam vẫn được lồng ghép, tích hợp ở các môn học và các hoạt động giáo dục khác. Chúng ta đã thấy điều này được thể hiện trong đề thi mấy năm vừa qua. Đề thi Ngữ văn cũng kiểm tra về đạo đức công dân; Đề thi môn Địa có thể hỏi về giá trị lịch sử, biển đảo Việt Nam… Chúng ta không nên quan niệm phải thi môn Sử thì mới có kiến thức, bài học về lịch sử ....
Nguồn: dantri.com.vn
Quý thầy cô xem chi tiết tại đây