Trong thư gửi học sinh nhân ngày tựu trường đầu tiên dưới chính thế Việt Nam dân chủ cộng hoà, người gửi gắm niềm tin: “…Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, đất nước Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các em…”
Mù chữ và sự dốt nát được Hồ Chủ tịch xem như là một thứ giặc, một quốc nạn: “Giặc đói, giặc dốt là bạn đồng minh của giặc ngoại xâm”. Trong bức thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ (tháng 5 năm 1946), Người viết: “…Chương trình của Chính phủ là làm thế nào cho toàn quốc đồng bào ai cũng có ăn, có mặc, có học hành. Vậy khẩu hiệu của chúng ta là: Tăng gia sản xuất, chống nạn mù chữ ”.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và dù khó khăn, gian khổ đến mấy của cuộc kháng chiến chống thực dân, Hồ Chủ tịch vẫn luôn dành một sự quan tâm sâu sắc cho sự nghiệp giáo dục. Một ngày sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập'” (ngày 3-9-1945), Người đã chủ trì phiên họp của Chính phủ và đã nêu ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết; trong đó có nhiệm vụ mở chiến dịch chống nạn mù chữ, chống giặc dốt. Người coi giáo dục là quốc sách, là vấn đề trọng tâm thường xuyên cần phải chăm lo. Bởi suy cho cùng, niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà Đảng và Chính phủ có thể đem lại cho mọi người, chính là giúp họ tự giải phóng họ khỏi nghèo nàn, áp bức bằng con đường lao động sáng tạo, lao động có hiệu quả, và chỉ có thông qua giáo dục. Vì vậy, không ai khác, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng xây dựng nền giáo dục mở và chỉ ra phương cách thực hiện chính sách mở trong giáo dục, thông qua con đường xã hội hóa giáo dục. Phát biểu tại Đại hội sơ kết công tác bình dân học vụ 6 tháng đầu năm 1956, ngày 16-7-1956, Người nói: “Những người biết chữ hãy dạy cho những người không biết chữ, người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít, mỗi xóm cử một người đi học, học mấy hôm về dạy mấy hôm, hết chữ rồi trở lại học, thầy vừa dạy vừa học”. Hay trong bài “Chống nạn thất học” (đăng trên báo Cứu Quốc, số 58, ngày 4-10-1945), Người hướng dẫn tỉ mỉ: “Các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình”.
Và mục đích, động cơ của việc học là để hiểu biết, học để làm việc, làm giàu, tóm lại là để mỗi người hoàn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Trong một bài viết đăng trên báo Nhân dân (số 183, ngày 9 -11/5/1954), Người căn dặn:.“… Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công việc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ” và: “ … có đồng chí nói: Nông thôn bận việc nhiều, khó học tập. Chính vì công việc nhiều mà càng cần phải học tập để làm cho đảng viên và cốt cán tư tưởng thông, lập trường vững, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, đi dúng đường lối quần chúng. Học càng khá thì giải quyết các vấn đề càng dễ dàng, công việc trôi chảy…”. Trên báo Nhân dân số ra ngày 16-10-1968, về mục tiêu của giáo dục và đào tạo, Người cho rằng là để “đào tạo những con người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân ta”. Người cũng chỉ rõ rằng, giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý “Lý luận gắn chặt với thực hành, học tập ở nhà trường gắn liền với xã hội với gia đình…”. Nói chuyện với lớp Nghiên cứu Chính trị khóa I, trường đại học Nhân dân (ngày 21-7- 1956), Người khẳng định: “… Học là một việc phải tiếp tục suốt đời, suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế”.
Người cũng đã chỉ ra phương châm giáo dục hết sức khoa học là: Giáo dục phải gắn liền với sản xuất và đời sống nhân đân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kỹ thuật, lao động sản xuất... Về phương pháp giáo dục, trên báo Nhân Dân (số 183, ngày 11-5-1954), Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “… Dạy dần dần từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, không tham nhiều, không nhồi sọ”; “ Dạy một cách thiết thực, lý luận gắn chặt với thực hành ”.
Hồ Chủ tịch còn chỉ ra hiệu quả của việc phát huy mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong giáo dục chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Điều này được thể hiện trong bài nói của người tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục (ngày 3 đến 8 tháng 6-1957, tại Hà Nội): “Giáo dục trong nhà trường dù có tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không thu được hoàn toàn”. Điều này thật thấm thía. Bởi vì, giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, của các lực lượng xã hội. Nên chỉ có kết hợp chặt chẽ các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp để đưa sự nghiệp “trồng người” đi đến thắng lợi.
Cuối cùng, sự nghiệp giáo dục - theo quan điểm của Hồ Chí Minh - là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhà nước và của nhân dân. Trong “Thư gửi cán bộ, thầy giáo, cô giáo, học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới”, người khẳng định: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó. Giáo dục nhằm đào tạo con người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta. Do đó các ngành, các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới ”.
Thực hiện di huấn của Người, trong hơn 30 năm qua, sự nghiệp giáo dục và khoa học luôn được Đảng ta thật sự coi là quốc sách hàng đầu nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó, Đảng và nhà nước ta đã tiến hành nhiều cuộc cải cách, xây dựng và nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng về đổi mới giáo dục, năm 1978, Hội nghị ngành Giáo dục đại học tại Nha Trang đã đưa ra ba chương trình hành động, với nội dung chủ yếu là:
1. Đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo trong các trường đại học theo hướng cơ bản nhất, hiện đại và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
2. Tăng cường công tác khoa học - kỹ thuật, hợp tác quốc tế, đầu tư cơ sở vật tư - kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm tốt những điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo.
3. Đa dạng hóa hệ thống trường, lớp theo hướng xã hội hóa giáo dục.
Từ chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục, từ năm 1990, chúng ta đã hình thành viện Đào tạo Mở (nay là đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh và đại học Mở Hà Nội). Riêng đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh hoạt động theo cơ chế ngoài công lập và là trường đại học mở tự hạch toán đầu tiên (không sử dụng ngân sách nhà nước từ thuế của dân), với hai thử nghiệm: thực hiện chính sách mở trong giáo dục và xây dựng cơ chế tài chính của một đại học tự hạch toán, không sử dụng ngân sách của nhà nước.
Qua 3 năm thử nghiệm (từ tháng 6 -1990 đến tháng 7- 1993), mô hình viện Đào tạo Mở thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và được sự đồng tình cao của xã hội. Bằng chứng là đã có hơn 20.000 sinh viên theo học hình thức này. Mô hình đào tạo mở đã từng bước được củng cố và mở rộng, trong đó, đào tạo từ xa là phương thức quan trọng để thể hiện chính sách mở trong giáo dục của Đảng, đã thu hút hàng vạn học viên ở mọi miền đất nước theo học. Các hoạt động của nhà trường, từ cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, đến kinh phí chi trả lương cho đội ngũ gióa viên, cán bộ, công nhân viên và các hoạt động khác, nhà trường đều tự trang trải.
Trên cơ sở thành công của mô hình đào tạo mở, Chính phủ sau đó đã công nhận thông qua quyết định cho phép viện Đào tạo Mở thành phố Hồ Chí Minh chuyển thành đại học Mở - Bán công thành phố Hồ Chí Minh ngày 26 -7-1993. Từ đây, hàng loạt trường đại học ngoài công lập đã lần lượt ra đời, đến nay đã hình thành một hệ thống rộng khắp với số lượng hàng trăm trường, bao gồm các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
Hơn 20 năm qua, kinh tế Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế hoạch định sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, hòa nhập vào nền kinh tế mở. Để hòa nhập thành công vào nền kinh tế mới đó, một trong những điều kiện tiên quyết đối với các nước đang phát triển là phải xây dựng cho được nền giáo dục mở cho mọi người. Vì vậy, ngay cả các quốc gia phát triển cũng đã thay đổi quan điểm về giáo dục. Đó là từ một nền giáo dục khép kín, chất lượng cao và chỉ dành cho một số đối tượng, chuyển sang nền giáo dục mở mang tính đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tiếp cận kiến thức đại học. Theo đó, khái niệm “mở” trong giáo dục được hiểu ít nhất trên bốn phương diện: mở rộng quy mô đào tạo; mở rộng đa dạng hóa hình thức đào tạo (tập trung chính quy, đào tạo không chính quy, đào tạo lại, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa thông qua công nghệ truyền thông, cầu truyền hình, mạng in-tơ-net, học toàn thời gian, bán thời gian v.v…); mở rộng đối tượng đào tạo (không phân biệt tuổi tác, giưới tính, tôn giáo, giai cấp…); và mở rộng phạm vi giáo dục (địa phương, trung ương, quốc tế hóa giáo dục). Đặc biệt, trong giáo dục đại học, việc phân tầng mục tiêu chương trình đào tạo đã trở thành một xu thế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đa dạng trong nền kinh tế mở - kinh tế thị trường; bên cạnh mở rộng phương thức đầu tư phát triển giáo dục theo hướng xã hội hóa.
Có thể nói, những cải cách giáo dục trong hơn 30 năm qua đã tháo gỡ được những khó khăn trầm kha, đưa ngành giáo dục phát triển nhanh, mạnh và đã thu được những thành quả đáng kể, xét cả về quy mô đào tạo, phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật, cả về hệ thống cơ sở giáo dục, mà điển hình là trong giáo dục đại học trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, khách quan mà đánh giá, hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập. Cả trong nhận thức và hành động, chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu đặt ra là nhằm đưa nước ta “…trở nên tươi đẹp…bước tới đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm Châu” như Hồ Chủ tịch mong muốn. Đất nước và nhân dân ta đang thật sự cần có một chính sách căn cơ về giáo dục và phải được xây dựng trên nền tảng kế thừa tinh hoa của thế giới và dân tộc, đặc biệt là dựa trên tư tưởng của Hồ Chủ tịch về giáo dục.
Để thực hiện ý nguyện của Hồ Chủ tịch: “…Sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh của nhân dân…”, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay, thiết nghĩ, ngành Giáo dục Việt Nam cần quan tâm triển khai thực hiện một số giải pháp sau đây.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh học tập, nghiên cứu thấu đáo tư tưởng của Hồ Chủ tịch về xây dựng một nền giáo dục thật sự của mọi người, vì mọi người, cho mọi người; mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng và phát triển giáo dục. Làm sao để mọi người đều thấu suốt quan điểm sự nghiệp “trồng người” là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của gia đình và các bậc phụ huynh như Hồ Chủ tịch căn dặn, nhằm đưa đất nước phát triển và sánh vai với các cường quốc năm châu. Trên cơ sở đó, từng bước hình thành chiến lược phát triển giáo dục với đầy đủ quan điểm, triết lý, khái niệm về giáo dục toàn diện, đồng bộ và nhất quán.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện Luật Giáo dục, bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong điều kiện hội nhập. Để Luật Giáo dục phù hợp và bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển giáo dục, Quốc hội cần thay đổi phương pháp làm luật, trong đó nên hình thành bộ phận tổ chức xây dựng luật đi từ cơ sở đang hoạt động trực tiếp về giáo dục, thay vì ngành chủ quản đứng ra xây dựng luật như hiện nay.
Thứ ba, vấn đề đặt ra cho sự nghiệp “trồng người” hiện nay là trên cơ sở thấm sâu và vận dụng sáng tạo tư tường của Hồ Chủ tịch, xây dựng cho được một đội ngũ người thầy ngang tầm. Trong đó, mỗi người thầy phải hội đủ hai phẩm chất cơ bản là vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Thứ tư, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn về đất đai và thuế doanh nghiệp cho các cơ sở ngoài công lập - một loại hình giáo dục - đào tạo đang trở thành một xu hướng, không riêng một khu vực hay một quốc gia. Lý do là, hoạt động giáo dục có những đặc thù riêng, trong đó, sản phẩm của giáo dục lại rất đặc biệt, chính là đào tạo con người. Vì vậy, không nên xem trường ngoài công lập là một doanh nghiệp để tính thuế, đánh thuế cơ sở giáo dục - mà thực chất là đánh thuế vào người học.
Thứ năm, bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh, thậm chí kiên quyết huỷ bỏ những quy định không còn phù hợp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; nhất là tạo điều kiện cho các trường mở rộng mối quan hệ liên kết đào tạo các chương trình quốc tế, thay vì vẫn còn nặng về cơ chế “xin - cho” như hiện nay. Đi kèm theo đó là có một hệ thống cơ chế, chính sách thỏa đáng và phù hợp trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm đào tạo ngang tầm. Cuối cùng là một cơ chế quản lý và phương pháp giáo dục luôn luôn phải đổi mới./.